Khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944 - 1945 thuộc địa phận ngõ 349 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, Hà Nội. Nơi đây là chứng tích cuối cùng còn lại trên địa bàn toàn miền Bắc Việt Nam (từ Quảng Trị trở ra), sau nạn đói lịch sử năm 1944 - 1945.
Theo lời kể của một số cụ cao niên hiện đang sinh sống tại khu vực phường Vĩnh Tuy, những năm 1945, người dân một số tỉnh, thành lân cận đổ về Hà Nội. Rất nhiều người trong số đó đã không qua được nạn đói hoành hành. Khu tưởng niệm do Hội Hợp Thiện xây dựng năm Tân Mão (1951), để quy tập hài cốt của những người bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944 - 1945 ở rải rác quanh khu vực nghĩa trang Hợp Thiện và một số nơi trên các đường phố Hà Nội. Đây là nơi tố cáo tội ác của phát xít Nhật, đế quốc Pháp đã gây nên thảm họa trên 2 triệu người Việt Nam, một sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử dân tộc ta từ trước đến nay. Năm 2005, nghĩa trang Hợp Thiện được đổi tên thành “Khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944 – 1945”.
Qua 2 lần tu bổ, tôn tạo năm 2003, 2013, diện mạo kiến trúc khu tưởng niệm được giữ nguyên vẹn đến hiện nay. Khu tưởng niệm được xây dựng trên một vuông đất, ở giữa là ngôi mộ, phần nắp mộ xây một bức tường, phía trên tạo mái, lợp ngói ống. Đường riềm được trang trí hình văn triện, trên đó đắp nổi hàng chữ “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945”, cạnh đó là dòng chữ ghi năm xây dựng 1951.
Hàng năm, cứ vào ngày Xá tội vong nhân 15/7 (âm lịch) UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức lễ tưởng niệm vong linh những người không may bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944 - 1945, đồng thời đây là dịp để lên án, tố cáo tội ác của những cuộc chiến tranh xâm lược, nêu cao truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam.
Năm 2001, khu tưởng niệm đồng bào bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944 - 1945 đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận Di tích Lịch sử Cách mạng cấp Thành phố.