Đình Phụ Khánh tọa lạc tại số nhà 151 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đình là nơi thờ Quan Thánh Đế Quân nên còn được gọi là đền Quan Đế, có khởi nguồn từ lâu để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Phụ Khánh.
Theo tư liệu khắc trên tấm bia lớn “Tu phụ khánh đình bi” (Bia ghi việc sửa chữa đình Phụ Khánh) cho biết: Đền Quan Đế, thôn Phụ Khánh, huyện Thọ Xương thờ cúng đã mấy trăm năm. Đến đời Thành Thái, đình được dời xuống thôn An Nhất (tức vị trí ngày nay). Hiện nay, đình nằm ở bên trái tòa tam bảo chùa Chân Tiên.
Đình được xây theo hướng Tây với kết cấu kiểu bốn gian kiểu bốn mái, xây kiểu “tường hồi bít dốc”. Kết cấu vì kèo đỡ mái kiểu vì “thượng giá chiêng - hạ kẻ”. Bên trong gồm có Tiền đường 3 gian, Hậu cung 2 gian. Công trình kiến trúc này là dấu ấn của đợt tu sửa năm Thành Thái 13 (1901), hiện tại chùa còn lưu tấm bia ghi lại việc tu sửa chùa và đình Phụ Khánh.
Đình Phụ Khánh còn lưu giữ tổng số 59 hiện vật, trong đó tiêu biểu là các cổ vật như: Ba tấm bia hậu dựng thời vua Thành Thái, ba cỗ long ngai chạm rồng thếp vàng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, một pho tượng Quan Thánh Đế Quân và nhiều đồ thờ tự khác như: Hoành phi, câu đối, cửa võng.
Đình Phụ Khánh được xây dựng gắn liền với dấu tích của một làng cổ ven đô xưa của kinh thành Thăng Long. Đây là một tư liệu quý phản ánh quá trình đô thị hoá và phát triển của kiến trúc thành phố Hà Nội.
Kiến trúc hiện nay của cụm di tích đã cho thấy đình Phụ Khánh và chùa Chân Tiên tạo thành một tổng thể di tích hoàn chỉnh, có nhiều giá trị về mặt lịch sử và văn hoá. Chùa Chân Tiên được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1990.