Chùa Hương Tuyết tọa lạc tại ngõ 205, phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trên văn bia Hậu Phật dựng năm Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân thứ 6 (1912) ghi rõ lịch sử xây dựng ngôi chùa này như sau: “Ông Nguyễn Hữu Quang ở phố Hàng Đào, phường Đồng Lạc, cùng vợ là Trương Thị Điều, phát tâm mua một khu vườn tư tại địa phận phường Bạch Mai, huyện Hoàn Long để xây dựng chùa thờ Phật, cùng tô tượng, đúc chuông chùa. Đến năm Tân Hợi (1911), tháng 10, ngày lành chùa xây xong, đặt tên là “Hương Tuyết Tự” (Chùa Hương Tuyết)”.
Công trình chùa bao gồm: Cổng, chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà khách. Chùa chính bao gồm: Tiền đường; Trung đường và Thượng điện. Đáng quan tâm nhất của chùa là hệ thống tượng Phật được sắp đặt cao dần tại nhà thượng điện. Toàn bộ hệ thống trên 50 pho tượng tròn, được tạo tác vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều di vật quí như: 3 chuông đồng; 3 bia đá thời Nguyễn có nội dung ghi việc xây dựng chùa và những người công đức; và các di vật chất liệu gỗ gồm: Hoành phi, câu đối, y môn, của võng, cuốn thư, hương án, long ngai, khám thờ… chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quí, rồng chầu, hổ phù… tất cả được sơn son thếp vàng, có niên đại thế kỷ XIX - XX. Với những giá trị tiêu biểu về kiến trúc truyền thống với hệ thống phong phú, chùa Hương Tuyết được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia ngày 13/02/1996.
Bên cạnh đó, chùa còn là di tích lịch sử Cách mạng, có đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại cổng chùa, có gắn tấm bia đá khắc năm 1938 ghi: “Khu vực chùa Hương Tuyết đã là nơi liên lạc của tổ chức Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí hội năm 1929 và là trụ sở Ban chỉ huy cuộc bãi công đầu tiên của công nhân xưởng Avia Hà Nội (từ 28/5 đến 10/6/1929)”. Di tích chùa Hương Tuyết và cuộc đấu tranh của công nhân Avia Hà Nội là động lực trực tiếp thúc đẩy làn sóng đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, dẫn tới sự ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng (17/6/1929) - hạt nhân chủ yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập ngày 3/2/1930. Cùng với các di tích cách mạng ở Hà Nội, chùa Hương Tuyết là một địa chỉ đỏ, là bằng chứng có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Cách mạng Việt Nam những năm 1929 - 1930.