Đền An Cư tọa lạc tại ngõ 281 phố Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Từ thời xa xưa làng Thanh Nhàn là một vùng đất sâu trũng hoang vu; dân các nơi đến khai hoang lập ấp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với vị trí nằm sát ven đô, dân Thanh Nhàn ngày càng phát triển, cuộc sống làm ăn yên ổn; làng Thanh Nhàn đã hình thành từ hai thôn; thôn trên và thôn dưới, còn gọi là thôn An Cư và thôn Lạc Nghiệp. Nhân dân thôn An Cư lập đền thờ Mẫu.
Đền được khởi dựng vào thời Nguyễn với bố cục mặt bằng kiến trúc hình chữ “nhất”, quay theo hướng Tây Bắc, nằm trong khuôn viên chung với đình An Cư. Mặt bằng tổng thể của khu di tích đền gồm: Nghi môn, sân hẹp, đền chính, lầu Cô, lầu Cậu. Nghi môn làm dạng cổng vào, xây gạch, cửa vòm, mái làm dạng hai tầng 8 mái có các góc đao cong. Đền chính xây kiểu tường hồi bít đốc gồm 3 gian. Hiện nay, đền còn lưu giữ được bộ di vật văn hóa có giá trị nghệ thuật như hương án, tượng tròn, hoành phi, câu đối và các đồ thờ khác.
Đền An Cư là công trình tín ngưỡng thờ Mẫu – một tín ngưỡng bản địa của người Việt góp phần thỏa mãn đời sống tâm linh của nhiều tầng lớp xã hội tại địa phương.