Đền Vũ Thạch tọa lạc tại phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đền nằm trong khu vực dân cư phường Cầu Dền, bên phải và phía sau giáp chùa Hương Tuyết, hai bên còn lại là công trình xây dựng dân dụng.
Đền được khởi dựng từ thời Nguyễn thế kỷ XIX với quy mô kiến trúc nhỏ, khép kín bao gồm: Cổng đền, sân đền, đền chính, nhà tiếp khách, hai bên sân là lầu Cô và lầu Cậu. Đền chính được kết cấu hình chữ “ tam” bao gồm: Tiền tế, trung tế và hậu cung. Nhà Tiền đường gồm 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp truyền thống. Bờ nóc trang trí cá chép chầu hình nước cam lộ; bờ dải đắp cong tạo hình đầu kìm, gối lên họa tiết hình văn triện, hai bên là hai trụ biểu trên gắn tượng nghê, các ô lồng để trống không trang trí. Tòa trung tế gồm 3 gian, phần hiên phía sau được đổ trần để tạo không gian bài trí ban thờ. Hậu cung gồm 2 gian dọc. Hai lầu Cô và lầu Cậu được xây dựng am thờ, hai tầng 8 mái, theo phong cách truyền thống.
Hiện nay, đền Vũ Thạch còn bảo lưu được khá đầy đủ hệ thống tượng tròn, phần lớn tượng có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhiều hiện vật lạ, tượng đẹp như: tượng Động Sơn Trang, tượng Ngọc Hoàng, tượng Nam Tào, tượng Bắc Đẩu,… Đền Vũ Thạch là nơi thờ Mẫu, loại hình tín ngưỡng văn hóa bản địa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần đối với nhân dân địa phương. Hàng năm, vào những dịp lễ hội Thượng nguyên, vào hè, ra hè, tất niên (15/1; 01/4; 01/7; 15/12 âm lịch) người dân địa phương đến dâng hương, lễ thánh tại đây.