Chùa Hưng Ký trước đây thuộc thôn Đoài, xã Hoàng Mai, huyện Thọ Xương nay là ngõ 228 phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa có tên chữ là “Vũ Hưng thiền am”. Trước đó, tại trung tâm làng Hoàng Mai đã có chùa Nga My (khởi dựng từ đời Lý), nên để phân biệt với ngôi cổ tự, người làng còn gọi chùa Hưng Ký là chùa Mới.
Chùa do ông bà Hưng Ký bỏ tiền xây dựng. Ông Hưng Ký là doanh nhân lớn, lấy vợ là bà Vũ Thị Sau, quê ở làng Hoàng Mai, do làm ăn phát đạt, đã đem ngôi chùa dột nát ở Phố Cát về dựng trên mảnh đất phía bắc làng Hoàng Mai năm 1931 và công trình hoàn thành vào năm 1933. Từ đó nhân dân địa phương quen gọi tên Nôm là chùa Hưng Ký. Chùa thờ Phật theo phái Tịnh độ tông và cũng là một trong những chùa có chốn tổ ở Đào Xuyên (Gia Lâm), ngoài ra còn thờ vợ chồng ông bà Hưng Ký.
Đến nay, các hạng mục kiến trúc cơ bản của chùa vẫn còn bảo tồn khá nguyên vẹn từ Tam quan, Tam bảo, nhà Tổ, nhà bia, nhà trai giới; bên cạnh là đền Mai Sau và đình Tam Thánh. Ba công trình này quay 3 hướng khác nhau. Giá trị chủ yếu của di tích Hưng Ký là kiến trúc và nghệ thuật trang trí trên kiến trúc. Bộ khung kết cấu xây dựng bằng bê tông gạch bền vững thay thế gỗ là kiến trúc cổ truyền. Đặc biệt sử dụng gốm nung có men nhiều màu sắc kỹ thuật cao để thể hiện các chi tiết từ kết cấu đến trang trí từ nóc mái đến tường trụ, từ Tam quan chùa và các công trình khác. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ các di vật như: 5 bức cửa võng bằng gỗ, 1 bức cửa võng bằng gốm men mầu, 6 y môn bằng gỗ, 12 bức đại tự, 2 án gian gỗ,… có giá trị nghệ thuật điêu khắc gỗ đầu thế kỷ XX và hệ thống tượng Phật ở chùa tuy không nhiều nhưng các pho lại khá lớn, đồ sộ hơn các chùa khác. Bên cạnh đó, trong chùa còn có văn bia do cư sĩ Lã Nam Mai soạn năm 1933 ghi lại việc ông bà Hưng Ký xây chùa.
Chùa Hưng Ký là một ngôi chùa theo phái Tịnh độ tông có kiến trúc nghệ thuật độc đáo cuối triều Nguyễn. Chùa còn lưu giữ nguyên vẹn số lượng lớn gốm men nhiều màu để gắn, ốp trên các cấu kiện của kiến trúc thể hiện các chi tiết một cách hài hòa với nhiều đề tài phong phú: tứ linh, tứ quý, nhà Phật… Năm 1996, chùa Hưng Ký được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Cùng với chùa Hưng Ký và đền Mai Sau, đình Hưng Ký cũng do ông bà Hưng Ký công đức xây dựng vào năm 1931. Trước đây ngôi đình này có tên là đền thờ Tam Thánh, thờ 3 vị tướng Lưu Bị, Châu Xương và Quan Vân Trường (theo điển tích của thời Tam Quốc). Sau này dân làng rước bài vị thành hoàng làng về phối thờ nên gọi là đình. Đình có vị trí ở giữa chùa Hưng Ký và đền Mai Sau. Ngôi đình có kiến trúc ba gian hai dĩ hình chữ nhật. Các cấu kiện bên trong trang trí đơn giản. Đình có 5 bức cửa võng và một số hoành phi câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng có trang trí chạm khắc hình rồng, chim, hoa lá… Nghệ thuật kiến trúc của ngôi đình này khá giản đơn so với chùa Hưng Ký và đền Mai Sau.
Nằm trong khuôn viên kiến trúc liền chùa Hưng Ký, đền Mai Sau thờ Mẫu Liễu Hạnh còn phối thờ Tứ phủ chầu bà, Đức vua cha, Nam Tào, Bắc Đẩu, đức Thánh Trần, bà Chúa Sơn Trang và ông bà Hưng Ký. Năm 1912, bà Vũ Thị Sau (vợ ông Hưng Ký) rước đền Thánh Mẫu bị hư hại dột nát ở làng Cát (Thanh Hoá) về để xây dựng tại đây, ngôi đền được dân gọi là đền Mai Sau.
Đền Hưng Ký hiện nay là một quần thể di tích, có kết cấu kiến trúc dạng chữ "đinh" gồm: Tiền tế, Thiêu hương và Cung cấm. Giá trị nổi bật của đền là nghệ thuật trang trí kiến trúc bằng bê tông - gạch nhưng tỉ mỉ và chau chuốt được ghép bằng sứ tráng men nhiều màu sắc nổi tiếng ở Bắc Kỳ. Hiện nay, trong đền Mai Sau còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị như: hệ thống tượng thờ, các bức đại tự, hoành phi, câu đối, cửa võng, mảng trang trí gốm sứ tráng men… Năm 1992, đền Mai Sau được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.