Di tích kiến trúc - nghệ thuật Đình, Đền, Chùa Hòa Mã

  • Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng
  • 270 Lượt xem
  • 0 Lượt thích

Cụm di tích đình, đền, chùa Hòa Mã tọa lạc tại số 3 phố Phùng Khắc Khoan, phường Ngô Thì Nhậm cũ nay thuộc phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tên thôn Hòa Mã được đặt vào đầu thế kỷ XIX, trước đó gọi là Đổi Mã. Trên khuôn viên gồm: Chùa ở giữa, trước có sân chung, bên phải chùa là đình, bên trái là đền. 
Chùa Hòa Mã tên chữ là Thiên Quang Tự (Ánh sáng của Trời), tương truyền có từ thời Lý. Dấu vết ngôi chùa từ thời Lý qua kiến trúc và các di vật hiện không còn. Các pho tượng trên Phật điện hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX. Toàn bộ hệ thống 26 tấm bia hiện lưu giữ tại di tích chủ yếu có niên đại thời Nguyễn ghi việc trùng tu chùa chính, nhà Tổ, tô tượng, đúc chuông, in ấn kinh sách…Chùa chính kết cấu mặt bằng chữ “đinh” (gồm tiền đường và thượng điện), nhà Tổ phía sau thượng điện, nhà Mẫu bên trái Thượng điện, nhà tứ ân bên phải tiền đường, khu tháp mộ sư, nhà khách bên phải sân trước tiền đường. Các cụ già nói rằng nơi đây từng có cung Đổi Mã hay điện Canh Y, được xây trên gò Kim Quy. Hàng năm vào đầu mùa xuân, nhà vua cùng đoàn tùy tùng đến nghỉ chân, thay áo đổi ngựa và làm lễ trước khi sang tế trời ở đàn Nam Giao.
Theo tài liệu lưu tại đình Hòa Mã, vị thành hoàng làng được tôn vinh là “Tiền triều thái giám quốc công”, một hoạn quan trông coi điện Canh Y của triều trước. Căn cứ bản sắc phong hiện lưu giữ tại di tích niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783), vị thần được gia phong mỹ tự và tiếp tục được thờ phụng là Phạm Đại vương, vậy vị quan triều Lê đó là vị Thái giám họ Phạm. Căn cứ bản sắc phong này cùng đôi tượng phỗng hiện còn tại di tích mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, có thể nhận định đình Hòa Mã được khởi dựng vào khoảng thời Hậu Lê trước năm 1783. Di tích được trùng tu vào năm Bảo Đại nguyên niên (1926) ghi lại trên tấm bia “Hậu Kỵ bi ký” hiện đặt tại chùa.Ngoài ra, đình còn đang lưu giữ một cỗ long ngai cùng bài vị và một đôi câu đối lòng máng - nghệ thuật thế kỷ XIV – XX. Năm 2021, ngôi đình được phục dựng lại trên nền đất cũ với một nếp nhà chữ “nhất” theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Cũng tọa lạc trong khuôn viên là đền Hòa Mã, có tên chữ là “Thiên Tiên Linh Từ” (đền thiêng Thiên Tiên), Lưu Ly linh từ. Di tích nhìn hướng Nam cùng hướng ngôi chùa cổ Hòa Mã. Ngôi đền này thờ bà chúa Liễu Hạnh cùng các Mẫu theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. 
Hiện nay đền đang lưu giữ11 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, sắc cổ nhất có niên đại năm Cảnh Thịnh nguyên niên 1792 thời Tây Sơn, 01 quả chuông đồng “Thiên Tiên điện chung” đúc năm Thiệu Trị 5 (1845). Qua đó,có thể đoán định đền Hòa Mã ít nhất cũng được khởi dựng vào thời Lê thế kỷ VXIII, trước năm 1792, có thể cùng thời điểm dựng ngôi đình làng. Đền được trùng tu lớn vào năm 1935, trên thượng lương nhà tiền tế có ghi rõ dòng chữ Hán “Đại Nam Bảo Đại Ất Mùi niên”.Mặt bằng tổng thể đền bao gồm: cổng đền, sân, đền chính, động Sơn trang, 3 am thờ. Đền chính gồm: Tiền bái, tiền tế, trung tế và hậu cung. Ngôi đền cổ Hòa Mã hiện vẫn lưu giữ được những dấu tích trên kiến trúc, di vật từ thời khởi dựng đến hôm nay trở thành minh chứng cho lịch sử lâu dài của di tích cùng quá trình tạo lập làng xã. 
Hàng năm, nhân dân sở tại thường mở hội một năm hai lần vào ngày 15 tháng Giêng và mồng 8 tháng 4 âm lịch. Với các ý nghĩa lịch sử văn hóa phong phú như vậy, cụm di tích đình - đền - chùa Hòa Mã công nhận là di tích cấp Quốc gia vào năm 1986.