Chùa Thọ Lão có tên chữ là “Thanh Nhàn tự”, toạ lạc tại số 20 phố Thọ Lão, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa còn có tên Nôm là chùa Bún, sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi làng Thọ Lão xưa có nghề làm bún.
Chùa Thọ Lão được khởi dựng từ thế kỷ XVIII. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa bị đạn pháo tàn phá cháy trụi chỉ còn lại 3 gian nhà thờ Mẫu. Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, chính quyền, sư trụ trì cùng toàn thể nhân dân phục dựng lại ngôi chùa trên vị trí cũ. Trải qua nhiều lần trùng tu vào năm Canh Ngọ (1990), năm Mậu Dần (1998) và lần tu bổ gần đây nhất diễn ra vào năm Nhâm Thìn (2012) quy mô kiến trúc được giữ nguyên vẹn đến hiện nay.
Hiện nay, chùa chính có bố cục kiến trúc kiểu chữ “nhị” với quy mô 2 tầng 8 mái bề thế gồm: Trai đường, ngôi Đại hùng bảo điện, ban thờ Địa Tạng, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà Tứ ân và phòng Kinh sách... Trong chùa còn lưu giữ được bộ tượng Tam thế Thường trụ Diệu pháp thân, tượng các đức Phật thế tôn, A Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ tát, Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, tòa Cửu long và tượng Thích Ca sơ sinh... Hai ban thờ Đức Ông và Thánh Tăng được bố trí ở hai gian hồi nhà Tam bảo. Phần lớn các pho tượng này đều được tạo tác dưới thời Nguyễn thế kỷ XIX. Các di vật được tạo tác bằng chất liệu gỗ như: hoành phi, câu đối, hương án... với đề tài chủ yếu là tứ linh, tứ quý - những linh vật của vũ trụ tượng trưng cho sự vận hành chuyển đổi của tạo vật, đồng thời thể hiện sự khát vọng của con người đối với cuộc sống thiên nhiên. Đặc sắc nhất, là quả chuông đồng thời Tây Sơn niên hiệu Cảnh Thịnh 6 (1798) cho biết sự ra đời sớm của di tích.
Ngoài ra, trong giai đoạn năm 1936 - 1944, chùa Thọ Lão là nơi hoạt động của các tổ chức yêu nước thôn Đồng Nhân như: Hội Người già, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên... Những năm toàn quốc kháng chiến, đặc biệt trong “Hà Nội - 60 ngày đêm khói lửa”, chùa là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh và địa điểm đóng quân, tập kết, trung chuyển thương binh của Trung đoàn bảo vệ Thủ đô - Liên khu I. Chùa Thọ Lão đã được thành phố gắn biển di tích cách mạng kháng chiến năm 2005 và xếp hạng Di tích Lịch sử - Nghệ thuật năm 2013.