Chùa Tràng An tọa lạc tại số 14 ngõ Tràng An, phố Triệu Việt Vương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.Xưa chùa thuộc phường Phục cổ, một phường cổ trong 36 phố phường của Thăng Long, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương,phủ Hoài Đức cũ.
Theo lịch sử chùa chép lại, chùa được xây dựng năm Canh Thân đời Lê Cảnh Hưng thứ nhất (1740), được trùng tu năm 1782 và năm 1868.Thời Cảnh Hưng ở phường Phục cổ có ba ngôi chùa đều đặt tên chữ đầu là Tràng, tức Tràng An, Tràng Khánh và Tràng Tín. Duy chỉ chùa Tràng An có một vị Cao Tăng rất giỏi về y dược, đã chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho Vua, được phong là Ứng vụ Nội đàn và tước Tăng Thống, tức là vị Tăng đứng đầu ở Thăng Long hồi bấy giờ. Hiện nay, chùa còn đôi câu đối nói rõ như sau:
“Viễn tố tôn phong, Ứng vụ Nội đàn Tăng hữu tước,
Đại khai giác lộ, Tràng an Cổ tự Phật vô lường”
Nghĩa là:
“Xa nức tiếng cao, Thầy Tăng được phong tước Nội đàn Ứng vụ
Mở to đường giác, Đức Phật hóa khó lường Chùa cổ Tràng An”
Và một câu hay nữa:
“Tết đến Tràng thành vui Khách quý; Xuân về An lạc thẳm duyên Người!”
Bên trái chùa là điện thờ ba vị Thượng đẳng: Cao Sơn, Bạch Mã, Linh Lang. Tháng 7/1967, đình phường Phục cổ tại số 14 phố Nguyễn Du bị chiếm dỡ nên nhân dân mới rước ngai, sắc về thờ tại chùa.Đến năm 2009, dưới sự ủng hộ của Sư cụ Trụ trì Thích Đàm Thuyết - pháp danh Diệu Minh, sư thầy Đàm Thân và các cấp chính quyền phường Bùi Thị Xuân cũ (nay là phường Nguyễn Du), quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; chùa đã khởi công trùng tubao gồm các hạng mục: Gian thờ tam bảo, nhà tổ, cung thờ mẫu, lầu cô cậu, mẫu thượng thiên, nhà vong; Làm mới tượng: 3 pho Tam Thế, 1 pho Đức Ông và 2 pho Hầu cận, 1 pho Đức Thánh Hiền và 2 pho Hầu cận, 01 pho Quan Âm Thị Kính; Toà Cửu Long, Đức vua cha Ngọc Hoàng, quan Nam Tào, quan Đặc đầu, 02 vị Nhị chủ, 02 pho Thập Diện, tượng Quan Âm Chuẩn Đề, tượng Tam tòa Thánh Mẫu, tượng Đức Thánh Trần, tượng Sư Tổ Đạt Ma;Toà tượng chúa Sơn Trang.