Di tích kiến trúc - nghệ thuật Chùa Đức Viên

  • Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng
  • 1884 Lượt xem
  • 2 Lượt thích

Chùa cổ Đức Viên tọa lạc tại số 4 phố Trần Xuân Soạn, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sơ khai, chùa có tên là Hương Viên ( Hương Viên là tên gọi của làng Hương Viên), sau được đổi thành Phương Viên ( Vườn thơm). Đến thời kỳ Pháp thuộc, tên chùa được đổi thành Đức Viên. Đây nguyên là nhiều thôn trại cũ thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Thời Pháp thuộc gọi là Đức Viên. Tên chữ của chùa là “Hồng Đức tự” (chùa Hồng Đức).
Chùa được xây dựng vào thời Nguyễn - đầu thế kỷ XIX. Qua ghi chép trên những tấm bia, chuông hiện còn lưu giữ tại di tích cho thấy chùa đã trải qua những cơn binh hỏa, được trùng tu dựng lại, từ đơn sơ thuần cổ rồi được thập phương công đức tô tượng, đúc chuông…trong suốt những năm từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX. Năm 1947, chùa bị giặc Pháp đốt cháy, đến năm 1950 được xây dựng lại còn được lưu dấu trên kiến trúc ngôi chùa. Tổng thể mặt bằng chùa gồm: Tam quan, gác chuông, chùa chính, nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách. Chùa chính hình chữ “ đinh” gồm 3 gian Tiền đường, 3 gian Thượng điện xây dọc mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Đặc biệt trong chùa còn có những bức đại tự, câu đối, cuốn thư sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đối diện với chùa Đức Viên, xưa vốn là ngôi đình của làng Phương Viên thờ Chu Văn An. Ngôi đình này, trong thời gian kì Pháp thuộc đã bị phá bỏ, bài vị của Chu Văn An cùng nhiều đồ thờ tự được người dân chuyển sang chùa để thờ. Như vậy, ngoài chức năng là chùa thờ Phật, chùa Hương Viên còn chức năng thờ thành hoàng làng Phương Viên - Chu Văn An.
Hiện nay, chùa Đức Viên còn lưu giữ được một bộ sưu tập các pho tượng tròn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX, tiêu biểu: tượng A di đà, Đức Ông, Thánh Hiền, Tòa Cửu Long Thích Ca sơ sinh…, hệ thống tượng tại điện mẫu. Các bộ hoành phi, câu đối, y môn, cửa võng… rất đẹp và tinh xảo. Đặc biệt có giá trị trong nghiên cứu di tích và lịch sử vùng đất là 6 tấm bia đá, 3 quả chuông đồng niên đại tạo tác thời Nguyễn cùng bộ long ngai, bài vị thờ Thành hoàng làng Chu Văn An là những di vật quý đã thành nguồn sử liệu hiện vật gốc hết sức có giá trị. Đây là nguồn tư liệu quan trọng, quý giá được lưu giữ đến nay. Năm 2003, chùa Đức Viên được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.