Đình Lương Yên

Đình Lương Yên tọa lạc tại ngõ 280 phố Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 
Đình được khởi dựng vào thời Nguyễn thế kỷ XIX. Khoảng năm 1980 đình bị cháy. Tuy không còn giữ được đầy đủ các hạng mục công trình của buổi đầu khởi dựng song những giá trị về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật vẫn được bảo tồn. Để bảo tồn các kiến trúc cổ nhằm phát huy giá trị văn hóa của di tích phục vụ tín ngưỡng nhân dân trên địa bàn, đình được tu bổ tôn tạo lại vào năm 2016. Đình có bố cục mặt bằng kiến trúc hình chữ “đinh”, quay theo hướng Tây Nam bao gồm: Cổng, sân đình và đình chính. Trong sân có bia lưu niệm sự kiện lịch sử cách mạng kháng chiến. Đình chính gồm đại bái và hậu cung. Hiện nay, các cấu kiện kiến trúc ở nhà đại bái như câu đầu, đầu dư, cốn, bẩy, các mảng chạm trang trí và hai trụ biểu mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XIX.
Bên cạnh những giá trị về lịch sử, văn hóa, đình Lương Yên còn là địa điểm mang giá trị của một di tích cách mạng kháng chiến. Tại đây, đêm ngày 17/8/1945, mặt trận Việt Minh làng Lương Yên và Thanh Nhàn do đồng chí Nguyễn Văn Đào làm chủ nhiệm đã triển khai họp bàn kế hoạch cướp chính quyền, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Năm 1946, đình là địa điểm đặt hòm phiếu bầu cử đầu tiên của hai làng và mở lớp bình dân học vụ cho nhân dân. Đây còn là nơi tập luyện quân sự cho dân quân, tự vệ, cứu thương  của liên khu II chiến đấu bảo vệ Thủ đô, trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Hàng năm vào ngày 9/2 và 13/8 âm lịch, hội làng Lương Yên được tổ chức dâng hương, lễ thánh tại đình. Ngày 04/12/2012, UBND thành phố Hà Nội đã gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại đình Lương Yên.