Di tích lịch sử - kiến trúc - nghệ thuật Chùa Đông Tân

Chùa Đông Tân có tên chữ là “Khánh Tân tự” (chùa Khánh Tân), tọa lạc tại số 87 phố Triệu Việt Vương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 
Chùa Đông Tân có niên đại khởi dựng vào thời Lê (1428 - 1789). Sang thời Nguyễn, chùa được trùng tu nhiều lần vào năm Tự Đức Giáp Tý (1874), Bảo Đại thứ 14 (1941). Lần trùng tu gần đây vào năm 2007 và giữ nguyên kiến trúc như hiện nay. 
Chùa là nơi thờ Phật (dòng thiền thứ 6 của Phật giáo Việt Nam) phái Tào Động. Kiến trúc chùa Đông Tân hiện nay mang phong cách thời Nguyễn, mặt bằng bố cục kiểu chữ “đinh” bao gồm:Tòa tiền đường, thượng điện, bên trái có nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà khách.
Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị nghệ thuật bao gồm: 11 tấm bia đá niên đại thời Nguyễn, chủ yếu là bia Hậu Phật bi ký được dựng năm Bảo Đại thứ 10 (1935), Bảo Đại thứ 16 (1941), các bia được gắn ốp sát hai hồi tiền đường; 1 chuông đồng “Khánh Tân tự chung” đúc năm Tự Đức 27 (1784); 26 pho tượng Phật cùng nhiều hoành phi, câu đối, hương án, cửa võng tất cả đều được sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ hoàng kim tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Từ ngày khởi dựng đến nay, di tích trở thành trung tâm văn hóa, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân nơi đây. Đặc biệt trong những ngày lễ của chùa gắn với ngày lễ của Phật giáo như lễ Phật Đản ngày 8 tháng 4, lễ vào hè ngày mùng 1 tháng 4, lễ ra hè ngày 1 tháng 7, lễ tất niên ngày 25 tháng Chạp công đức. Chùa Đông Tân được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố ngày 22/8/2013.