Di tích lịch sử - văn hóa Đình, Đền Đông Hạ

  • Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng
  • 1907 Lượt xem
  • 1 Lượt thích

Đình và đền Đông Hạ tọa lạc tại số nhà 28 – 30 liền kề trong ngõ Huế, thuộc phường Ngô Thì Nhậm cũ nay là phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm 2014, cụm di tích đã được tu bổ tôn tạo lại tổng thể theo lối nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn hầu như không còn giữ được dáng vẻ cổ xưa. Mặt bằng tổng thể của cụm di tích gồm: Cổng nghi môn ở mặt ngõ Huế, qua sân nhỏ bước vào đền, đình Đông Hạ nằm bên phải đền, giữa đình và đền có nhà bia Liệt sĩ, bên trái đền là nhà Tổ hậu (nơi thờ các vị thủ đền và những người đã hưng công tu bổ tôn tạo cụm di tích).
Theo tư liệu khắc trên tấm bia “Hậu Thần Bi ký” dựng năm Vĩnh Thịnh 12 (1716) ghi việc một số gia đình đã công đức vào đình và xin được bầu làm hậu thần…xác định đình Đông Hạ được khởi dựng từ thời Hậu Lê thế kỷ 18. Đình thờ tam vị thành hoàng làng: Cao Sơn Đại vương, Linh Lang đại vương và Đức Thánh Trần - Trần Hưng Đạo. Đình được xây nhìn hướng Đông gồm 3 gian đại bái, 1 gian hậu cung. Hiện nay, đình đang còn lưu giữ một số bức hoành phi, câu đối có niên đại triều Nguyễn – vua Khải Định, Bảo Đại, ba cỗ long ngai bài vị thờ tam vị Thành hoàng làng – phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. 
Đền Đông Hạ, tên chữ là Linh Ứng Tự được khởi dựng thời Hậu Lê thế kỷ XVIII, có lẽ cùng thời điểm dựng ngôi đình làng. Trải qua thời gian, di tích được trùng tu vào năm Thành Thái 7 (1895) được ghi lại tại bia vô đề hiện dựng tại đền, đến năm Bảo Đại 3 (1928) lại được dựng lại do mở đường…. Đây cũng là những di vật có giá trị hiện còn lưu giữ tại di tích. Đền thờ phụng các Thánh mẫu Tam phủ và Liễu Hạnh công chúa. Tại Hà Nội đền Đông Hạ được biết đến là nơi thường xuyên tổ chức hầu đồng vào đầu các tháng. Ngôi đền là một nếp nhà 3 gian cửa bức bàn, mặt quay về hướng Nam gồm các công trình: Nghi môn, sân, đền chính, am thờ Cô, Cậu và nhà thờ Tổ hậu. Đền chính gồm Tiền bái và Hậu cung. Đền còn đang lưu giữ một số hiện vật tiêu biểu như: Tượng Ngọc Hoàng, tượng võ tướng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX; bức hoành phi “Mẫu Nghi Thiên Hạ” niên hiệu Bảo Đại Mậu Thìn (1929) và hệ thống các bức cửa võng, y môn, hoành phi, cột treo các đôi câu đối sơn son thếp vàng, hương án, đồ thờ chủ yếu mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX, XX. 
Di tích đình, đền Đông Hạ là một quần thể kiến trúc tôn giáo bản địa có giá trị. Nhân dân địa phương thường lui tới thực hiện các lễ nghi thờ cúng dân gian. Với những giá trị trên nhiều phương diện, cụm di tích đình - đền Đông Hạ đã được công nhận di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Thành phố năm 2006.