Chùa Vua trước kia thuộc làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay tọa lạc tại số nhà 33, phố Thịnh Yên, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa Vua là tên gọi của cả cụm di tích gồm chùa Hưng Khánh thờ Phật và điện Thiên đế thờ Đế Thích, chùa có tên chữ là “Hưng Khánh tự”.
Tương truyền, chùa Vua có từ thời Lý (1019 - 1226) và đã tồn tại từ lâu đời đến thời Lê Sơ (1428 - 1527), một vị hoàng tử lập nên để thờ Đế Thích và dùng làm trung tâm đấu cờ tướng trong thành Thăng Long. Cùng với thời gian di tích được trùng tu và sửa chữa nhiều lần. Chùa từng là cơ sở, nơi đi lại hoạt động của các nhà cách mạng tiền bối trong những năm đầu từ khi thành lập Đảng. Sau cách mạng, chùa được sử dụng làm trụ sở chính quyền cách mạng ở địa phương. Cuối năm 1949, chùa Khánh Hưng bị phá huỷ do chiến tranh. Hiện nay chùa Vua chủ yếu mang đặc điểm của lần trùng tu cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên tam quan, nghi môn và các ngôi tháp mộ vẫn còn mang dấu tích cũ. Chùa hiện nay còn lại hai cổng tam quan, điện thờ Đế Thích, khu nhà Mẫu và dãy hành lang.
Hiện nay, chùa vẫn còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị tiêu biểu như: 14 pho tượng gỗ thế kỷ XIX, tiêu biểu nhất là tượng thần Đế Thích, Tòa Cửu Long và 3 pho tượng mẫu; 2 đỉnh đồng thời Nguyễn; 1 quả chuông nhỏ thời Tây Sơn (niên hiệu Cảnh Thịnh), 2 quả chuông to thời Lê; 2 chóe thời Lê và 1 đôi hạc thờ; 1 cửa võng lớn chạm thủng đề tài cúc dây, cúc lão, thế kỷ XIX; 1 khám thờ long ngai chạm rồng trang trí rồng chầu, tứ linh, thế kỷ XIX; 2 chóe sứ men nhiều màu thời Thanh Trung Quốc, thế kỷ XVIII; 1 chuông đồng nhỏ “Thiên đế điện cung” (Chuông điện Thiên đế); 1 chuông đồng “Hưng Khánh tự chung” (Chuông chùa Hưng khánh) đúc năm Thành Thái thứ 3 (1892); 3 bài thơ, 3 bức hoành phi và 4 câu đối ca ngợi ơn đức của Thiên Thần Đế Thích cùng cảnh đẹp của di tích...
Hàng năm, từ ngày mồng 6 đến mồng 9 tháng Giêng âm lịch làng Thịnh Yên vào đám, mở hội đánh cờ là một loại hình lễ hội dân gian. Ngoài phần nghi lễ như ở các đền, chùa khác, thì nội dung chính của ngày lễ là “mở hội cờ” thi đấu cờ tướng. Mồng 9 là ngày chính hội. Đây vừa là chốn tâm linh thờ Phật và Vua Cờ, vừa là nơi các kỳ thủ thường đến thi tài trước những khán giả hâm mộ môn thể thao trí tuệ này. Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992. Ngày 01 tháng 10 năm 2004, chùa được gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến vì chùa là nơi hoạt động bí mật của nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc, bí thư xứ ủy Trung Kỳ.