Chùa Nghĩa Trang (hay còn gọi là chùa Trang) có tên chữ là “Hợp Thiện tự” toạ lạc tại số 9 ngõ 647 phố Kim Ngưu, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm Khải Định thứ 2 (1917), chùa được khởi dựng ở trung tâm nghĩa trang Hợp Thiện để thờ Phật và hương khói cầu siêu cho các vong linh về bên kia thế giới được siêu thoát.
Kiến trúc hiện nay của chùa bao gồm: Tam quan, sân gạch, tòa Tam bảo có quy mô kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm tiền đường và thượng điện. Kiểu dáng, bố cục và kết cấu của bộ khung nhà mang đậm dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX.
Chùa hiện đang lưu giữ các di vật điển hình được tạo tác bằng chất liệu gỗ như: hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng, hương án... được chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quý mang đậm dấu ấn của nghệ thuật thời Nguyễn. Chủ đề trang trí vẫn là những hoa cỏ, linh vật truyền thống để nói lên ước nguyện truyền đời của người đương thời về một nguồn hạnh phúc phồn thực trường niên. Tất cả các di vật này đều được sơn son thếp vàng đã tôn thêm sự trang nghiêm, lộng lẫy cho Phật điện. Đặc sắc nhất là hệ thống tượng tròn, với trên 30 pho tượng gồm tượng Phật, tượng Mẫu và tượng Tổ mang phong cách nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu của thời Nguyễn.
Quan trọng nhất là tấm bia “Hà Thành Hợp Thiện Hội” dựng năm Bảo Đại thứ 2 (1927), đây là tấm bia cổ và quý nhất hiện còn trong di tích. Nội dung văn bia cho biết việc xây dựng quần thể Nghĩa trang và chùa Hợp Thiện, không chỉ để phô bày cõi đẹp nơi chôn cất, nghi thức mai táng mà những hoạt động từ thiện đầy tính nhân văn cần tiếp tục được xã hội quan tâm và phát triển.
Chùa Nghĩa Trang cùng với Khu tưởng niệm Đồng bào chết vì bị oanh tạc và nạn đói năm 1944 - 1945, vừa là chứng tích ghi dấu đau thương trong lịch sử dân tộc Việt Nam, vừa minh chứng cho việc làm từ thiện - một hành động đẹp, mang nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nó thể hiện tình yêu thương, tinh thần nhân đạo cao cả và sự cảm thông chia sẻ sâu sắc đối với mọi người, đúng như tên tự của chùa đã đặt “Hợp Thiện tự” - Nơi tập hợp những điều thiện.